Tại sao ăn phở, uống cà phê cũng phải trả thuế VAT?

VAT hay còn gọi là thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Hiện nay, hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ đều phải chịu VAT, trừ các quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.

Hiện tại, có 3 mức thuế suất giá trị gia tăng áp dụng bao gồm: 0%, 5% và 10%

– Mức thuế 0%: Áp dụng với các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

– Mức thuế 5%: Nước sạch phục vụ sinh hoạt, các dịch vụ sản xuất phục vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi chưa chế biến thành thành phẩm khác, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo cụ phục vụ học tập, giảng dạy, các dịch vụ văn hóa nghệ thuật, đồ chơi trẻ em, sách trừ một số loại sách khác được quy định, mua bán, cho thuê nhà ở,…

– Mức thuế giá trị gia tăng 10%: Áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại.

Như vậy, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống được áp dụng mức 10%.

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giá thuế giá trị gia tăng, mức thuế được áp dụng đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024 là 8%.

Theo trường hợp của bạn, việc quán ăn thu phí VAT đối với sản phẩm bán ra là đúng quy định pháp luật, tuy nhiên việc quán ăn áp dụng 10% VAT đối với hóa đơn bán hàng là không đúng với mức thuế được quy định tại Nghị định 44 nói trên. Riêng phí phục vụ thì pháp luật không điều chỉnh, mức phí này do từng cơ sở kinh doanh quy định (và thường là đã được tính vào giá bán sản phẩm).

Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội