Suốt thời gian ở Việt Nam, Sam Mittal (37 tuổi, quốc tịch Anh) đã dành thời gian để đến những vùng cao, dạy tiếng Anh cho người đồng bào vì ước mong giúp họ thay đổi cuộc sống.
“What’s your name?” (Tên bạn là gì?), thầy giáo Sam Mittal nói.
“My name is Thuy” (Tôi là Thúy), một cô bé nhỏ thó, đen nhẻm, ngồi trong góc nhà bập bẹ giới thiệu bằng vài câu tiếng Anh vừa học được.
“Perfect…”, “What’s your name?” (Tuyệt vời… Tên bạn là gì?), Sam tiếp tục quay sang hỏi thêm học sinh khác.
“My name is Ha” (Tôi là Hà), một cô bé trả lời.
Cứ thế, trong lớp học dựng tạm bợ giữa căn nhà sàn, bàn ghế được làm từ thân của một cây cổ thụ, thầy giáo Sam liên tục đàm thoại với học sinh.
Đối với anh, những câu tiếng Anh tuy có vẻ đơn giản nhưng lại là nỗ lực không ngừng của những đứa trẻ vùng cao, đồng thời là lý do khiến anh càng yêu thêm đất nước Việt Nam.
Sam Mittal cùng các em nhỏ vùng cao chụp ảnh lưu niệm cùng nhau (Ảnh: NVCC).
Những lớp học tiếng Anh giữa núi rừng
Năm 2018, Sam Mittal đến Việt Nam để tham gia giảng dạy IELTS cho các trung tâm nổi tiếng tại TPHCM.
Với chuyên môn của một người làm giáo dục hơn chục năm, anh đã quan sát cơ hội tiếp cận ngoại ngữ của trẻ em Việt Nam. Sam Mittal nhanh chóng nhận ra sự chênh lệch khi các tài liệu tiếng Anh chủ yếu được học tập bởi các gia đình khá giả, ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, trong khi học sinh ở làng xã hoặc nhóm dân tộc thường không nhận thức được cơ hội này.
“Tôi là một nhà giáo dục và khát khao thu hẹp khoảng cách trong giáo dục luôn thôi thúc tôi phải làm điều gì đó”, Sam lên tiếng.
Ngay sau đó, thông qua một người bạn Việt Nam chuyên tổ chức các sự kiện hỗ trợ cộng đồng, Sam đã bắt đầu tìm đến vùng sâu vùng xa. Anh tích cực hỗ trợ mở lớp học, bắt đầu giảng dạy tiếng Anh vào mùa hè năm 2022. Chính những trải nghiệm phong phú này đã thay đổi cuộc đời Sam và học sinh dân tộc thiểu số.
Trải nghiệm suốt những ngày tháng dạy học ở vùng cao khiến anh chàng càng yêu thêm Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Những ngày đầu tiên ở Lào Cai, Sam Mittal đã tự lái xe 30 phút từ thị xã Sapa đến các bản làng. Những ngôi nhà ở giữa núi rừng không có sóng điện thoại, internet khiến anh bất tiện khi muốn liên lạc với bạn bè, người thân. Thế nhưng, chính việc được thức dậy với khung cảnh ngoạn mục, những buổi ăn sáng ấm áp cùng dân bản đã giúp Sam nhanh chóng quên hết muộn phiền.
“Tôi cứ nghĩ việc thích ứng với việc không có các tiện nghi cơ bản là thách thức, cuối cùng nó lại mang kết quả xứng đáng khi tôi bắt đầu có cơ hội phát triển cá nhân, xem xét nội tâm và tập trung vào chuyện giảng dạy thay vì sao lãng bởi mạng xã hội”, Sam nói.
Các lớp học của Sam Mittal thường có khoảng 20 đến 30 người, trong đó trải dài từ 5 đến 35 tuổi. Chính sự đa dạng độ tuổi khiến cho các tiết học luôn sôi động, hấp dẫn. Ngoài ra, Sam cũng tập trung vào các kỹ năng ngôn ngữ thực tế như khả năng nói, phát âm, cụm từ cơ bản và cách xây dựng câu… khiến tiếng Anh càng trở nên gần gũi với người đồng bào.
“Mặc dù có nhiều người lớn tuổi nhưng họ rất tích cực theo học, chúng tôi liên tục trò chuyện với nhau để nâng cao kỹ năng giao tiếp, các người bạn Việt Nam cũng hỗ trợ thêm nhiều tài liệu, sách vở”, Sam nói.
Các lớp học có đa dạng độ tuổi, thế nhưng ai cũng đều vui vẻ, say mê học tiếng Anh (Ảnh: NVCC).
Thầy giáo người Anh yêu Việt Nam
Mỗi buổi học tất cả học sinh đều chăm chỉ, siêng năng để có cơ hội luyện nói cùng thầy giáo.
“Chỉ một thời gian ngắn, học trò của tôi đã nắm bắt xong tài liệu. Người đồng bào rất nhiệt tình và phản hồi tích cực về lớp học. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui”, Sam nói.
Vào ngày chia tay bản làng, Sam đã được người dân chuẩn bị cho một buổi ăn truyền thống. Hôm đó, anh và mọi người quây quần, nói chuyện với nhau rất nhiều về văn hóa và tôn giáo thông qua một phiên dịch viên. Sự thân thiện của con người Việt Nam khiến chàng trai người Anh không khỏi xúc động.
Đối với Sam, chính sự đôn hậu của người Việt Nam khiến anh muốn gắn bó với đất nước này (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, Sam Mittal đã quay về TPHCM. Anh vẫn kết nối bạn bè để thực hiện các buổi giảng dạy trực tuyến cho mọi người. Trong tương lai gần, Sam sẽ trở về Anh theo lịch công tác cá nhân. Thế nhưng, anh khẳng định vẫn sẽ trở lại Việt Nam nếu có thể.
Đối với chàng thầy giáo trẻ, nền văn hóa phong phú, không khí sôi động và đặc biệt sự tôn kính của học trò đối với người làm giáo dục đã khiến Anh say đắm Việt Nam ngay lần đầu tiên.
“Sau 5 năm, trải nghiệm của tôi về đất nước Việt Nam rất phong phú, trong đó chính sự đôn hậu của người dân, đặc biệt là các em học sinh là lý do chính làm tôi muốn gắn bó cả đời với đất nước này”, Sam nói thêm.