Bộ Y tế ban hành dự thảo thông tư cập nhật danh mục các thuốc đông y được BHYT chi trả, trong đó bổ sung thêm nhiều bài thuốc, dược liệu, dạng bào chế và loại bỏ các sản phẩm từ nguồn gốc động thực vật hoang dã.
Thông tin được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết tại Hội thảo Xây dựng thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng cập nhật danh mục và hướng dẫn thanh toán thuốc, dược liệu… do Bộ Y tế tổ chức chiều 25/10.
Bà Trang cho biết trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, danh mục thuốc y học cổ truyền được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chưa được cập nhật. Trong khi đó, tỷ trọng thuốc đông y được BHYT chỉ chiếm 4,5% trong tổng số chia trả của BHYT, giảm 3% so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 05 (2015) trong đó tăng thêm danh mục các thuốc đông y được BHYT chi trả.
Theo bà Trang, Bộ Y tế sẽ cập nhật danh mục gồm cả các dạng bào chế mới như cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Thuốc cổ truyền được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc BHYT phải đạt các tiêu chí như được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực hoặc giấy phép nhập khẩu hoặc số đăng ký lưu hành hết hiệu lực.
Thuốc có xuất xứ từ bài thuốc cổ phương theo Thông tư 31/2021; bài thuốc gia truyền đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; bài thuốc cổ phương gia giảm hoặc bài thuốc nghiệm phương có hiệu quả điều trị rõ ràng và an toàn theo đúng quy định.
Dược liệu, vị thuốc cổ truyền được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc BHYT phải có các tiêu chí đánh giá hiệu quả điều trị và an toàn, có báo cáo phân tích chi phí hoặc báo cáo đánh giá tác động ngân sách.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ xem xét đưa thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, vị thuốc ra khỏi danh mục thuốc BHYT với các sản phẩm cụ thể:
1. Thuốc không có số đăng ký lưu hành hoặc không có giấy phép nhập khẩu hoặc thuốc đã có số đăng ký lưu hành nhưng không còn hiệu lực tại thời điểm xem xét, xây dựng danh mục.
2. Thuốc, dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền có thành phần sản xuất từ dược liệu có nguồn gốc từ động vật, thực vật thuộc diện phải bảo tồn theo sách đỏ Việt Nam hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ do Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) công bố (trừ các động vật, thực vật dùng làm thuốc đã được nuôi trồng, thu hái hợp pháp).
3. Thuốc, vị thuốc, dược liệu có khuyến cáo không nên sử dụng hiệu quả điều trị không rõ ràng hoặc có khuyến cáo về độ an toàn của Tổ chức y tế thế giới, Bộ Y tế hoặc cơ quan quản lý dược của các nước hoặc hội y khoa, dược khoa, hội bệnh học có uy tín đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức chuyên môn về y tế hoặc của Hội đồng chuyên môn tư vấn về danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.