Đội tuyển Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ dưới chính sách trẻ hóa đội hình của HLV Troussier. Những ngôi sao thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam mới ngày nào còn liên tục chinh chiến, gặt hái thành công với HLV Park Hang-seo, thì nay người chấn thương, người ngồi nhà, người ngồi ghế dự bị và chỉ một số nhỏ thi đấu cho vị tướng mới.
Vậy, chuyện gì đã xảy ra với thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam?
ĐAU XÓT CHO ĐÌNH TRỌNG
“Chúng ta có thể thấy tấm gương nhãn tiền trong bóng đá của Đình Trọng và Văn Hậu. Đấy là điều rất đau xót, mà bản thân tôi cũng rất lăn tăn, áy náy”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, người từng có thời gian dài làm việc tại U23 Việt Nam, nói với chúng tôi về trường hợp của Đình Trọng.
Ông tiếp tục: “Khi chuẩn bị cho SEA Games 2019, Đình Trọng đã lên tập cùng đội tuyển và bị đau. Ngày ấy tôi cũng đã trả lời truyền thông, nói rằng Đình Trọng dù có được phẫu thuật tốt, phục hồi tốt, cơ địa tốt như thế nào đi chăng nữa thì với từng ấy thời gian (chưa đầy 6 tháng từ ngày dính chấn thương – PV) cũng chưa thể nào tập luyện được với cường độ cao cùng đội, chứ đừng nói là thi đấu.
Bản thân tôi khi đó không ở trong đội nên cũng không thể biết nguyên nhân do đâu mà Đình Trọng lại tập luyện như vậy. Chỉ thấy rằng bạn ấy cũng rất khát khao cống hiến nhưng như vậy là quá sớm. Và mọi thứ sau đó ảnh hưởng rất lớn, Trọng phải mổ đi mổ lại, tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ điều cần thiết lúc ấy là tôn trọng quá trình liền sẹo và tuân thủ đúng quá trình phục hồi, chuẩn chỉ thời gian thì bạn ấy sẽ không mất lâu thời gian phục hồi như vậy”.
Không quá khi nói Đình Trọng là cái tên để lại nhiều tiếc nuối nhất trong thế hệ vàng dưới thời HLV Park Hang-seo. Trung vệ sinh năm 1997 là trụ cột trong kỳ tích tại Thường Châu, vào tới bán kết Asiad 18 cùng U23 Việt Nam, sau đó vô địch AFF Cup 2018 trong màu áo ĐTQG.
Nhưng rồi đúng vào lúc tương lai đang rộng mở, “cơn ác mộng” xảy đến với Đình Trọng. Anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối trái trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và HAGL vào ngày 31/5/2019.
Trung vệ này được đưa nước ngoài phẫu thuật, tuy nhiên việc vội vã trở lại khiến cho tình trạng của Đình Trọng trong những năm sau đó ngày một xấu đi.
Lỡ hẹn với SEA Games 2019, Đình Trọng sau đó ra sân thi đấu cả 3 trận (2 lần thay người, 1 lần đá chính) ở VCK U23 châu Á vào tháng 1/2020. Sau giải đấu này, trung vệ 23 tuổi liên tục phải lên bàn mổ.
Trong năm 2020 và 2021, anh 2 lần phẫu thuật để điều trị chấn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối. Đến đầu năm 2023, Đình Trọng tiếp tục gặp vấn đề với đầu gối trái và phải nghỉ cả mùa.
“Câu chuyện của tôi là bài học cho nhiều đồng nghiệp. Tôi mắc sai lầm lớn là cố quay trở lại khi thể trạng chưa tốt nhất, dẫn đến chấn thương dai dẳng từ năm 2019. Tôi ước mình đã sáng suốt hơn.
Có người hỏi tôi lỗi này từ đâu ra, do đội tuyển, CLB hay áp lực kỳ vọng từ người hâm mộ. Thực sự, tôi không trách ai cả. Lỗi là do tôi. Tôi quá nóng vội trở lại. Giá như tôi bình tĩnh, mọi chuyện đã tốt hơn.
Tôi cũng ước ở các đội tuyển hay CLB có bác sĩ “quyết đoán” hơn. Họ sẽ đánh giá đúng tình trạng cầu thủ, quyết định có được tập luyện và thi đấu không, chứ không phải để cầu thủ muốn là được. Đã là cầu thủ thì ai cũng muốn cống hiến, muốn được thi đấu. Quan trọng là có người “phanh” họ lại khi tình trạng chưa hồi phục hoàn toàn”, Đình Trọng trải lòng trên VNExpress vào giữa năm 2022.
SỰ NÓNG VỘI ĐÃ LÀM HẠI ĐÌNH TRỌNG RA SAO?
Lý giải nguyên nhân khiến chấn thương gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của cầu thủ, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cho biết cùng với việc phẫu thuật tốt, việc tuân thủ quá trình phục hồi cũng là yếu tố quan trọng không kém. Ông phân tích:
“Người ta thường quan tâm đến chấn thương về dây chằng đầu gối, đặc biệt là dây chằng chéo, bởi đây là dạng chấn thương nặng, có thể coi là “ác mộng” của nhiều cầu thủ.
Nếu ở 10 năm trước, chấn thương này rất đáng sợ. Bị chấn thương dây chằng chéo thì coi như hỏng chân, rất khó để quay lại ở thể thao đỉnh cao. Nhưng đến bây giờ với công nghệ tái tạo dây chằng chéo rất tốt, tay nghề bác sĩ được nâng cao, các cầu thủ cũng có ý thức tốt trong việc phục hồi, công nghệ phục hồi sau chấn thương, sau phẫu thuật đã lên rất cao rồi nên gần như vấn đề này không còn nguy hiểm như ngày xưa nữa”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy nói tiếp: “Với hơn 15 năm làm việc, đã trải qua hàng nghìn ca điều trị cho các VĐV tuyển quốc gia ở nhiều môn, tôi đánh giá chấn thương dây chằng chéo bây giờ giống như một vết đứt tay thôi. Mọi thứ không có gì ghê gớm cả. VĐV được phẫu thuật xong được tập phục hồi tốt, vật lý trị liệu tốt, tiêm huyết tương tốt hoàn toàn có thể chơi thể thao đỉnh cao trở lại.
Các VĐV sau đó đã có kinh nghiệm xương máu với chấn thương rồi có thể phát triển sự nghiệp tốt hơn cả lúc chưa bị. Tất nhiên vấn đề nằm ở công sức và thời gian phục hồi của chấn thương này rất lâu, có khi mất cả năm trời.
Để cầu thủ có thể quay trở lại thi đấu với cường độ cao thì tầm quan trọng của việc mổ và phục hồi là 50-50, không thiên về bên nào cả. Sau khi phẫu thuật để đưa tổ chức giải phẫu đó trở về với cấu trúc giải phẫu rồi thì cũng cần quá trình phục hồi kỹ lưỡng để VĐV đủ sức vận động trở lại với cường độ cao”.
Đồng thời, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cũng chỉ ra một loại chấn thương khác còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn, đó là tổn thương sụn chêm đầu gối, một trong những vấn đề mà Đình Trọng gặp phải.
“Có những chấn thương khác mà mọi người ít để ý đến, nghĩ rằng nó đơn giản nhưng thực ra đó mới là nguyên nhân có thể khiến các cầu thủ phải xa rời sân cỏ và không thể quay trở lại với phong độ tốt nhất. Đó là sụn chêm, một vấn đề vô cùng nhức nhối”, bác sĩ Thủy nói.
Ông phân tích: “Trong khớp gối có sụn khớp và sụn chêm. Với sụn chêm thì có sụn chêm trong và sụn chêm ngoài, độ dày bằng nhau. Nhiệm vụ chính của nó gồm: giảm xung, giảm sóc cho đầu gối; giúp khớp gối chắc hơn, hoạt động trơn láng hơn, dàn đều lực…
Vì một lý do nào đó mà sụn chêm gặp vấn đề thì gần như nó không có khả năng tái tạo được. Nếu rách sụn chêm thì may ra có thể khâu và liền lại; còn nếu nó vỡ ra rồi thì sẽ không còn nguyên hình, nguyên khổ nữa.
Điều này dẫn đến việc lỏng khớp gối, lực không còn được dàn đều, dồn vào phần sụn chêm mỏng hơn. Phần đó đã yếu rồi mà liên tục bị dồn lực thì ngày một hỏng đi, không thể nào tốt hơn được. Dù có mổ tốt, phục hồi tốt thế nào thì nó cũng dần hỏng theo năm tháng và hỏng nhanh hơn bình thường”.
TẤM GƯƠNG CỦA DUY MẠNH
Tại Asian Cup 2023, HLV Troussier đã chờ đến ngày cuối cùng trước khi sang Qatar để theo dõi chấn thương của Hoàng Đức. Cuối cùng, ông quyết định để tiền vệ này được nghỉ ngơi để có thể hồi phục hoàn toàn, tránh trường hợp vì cố thi đấu mà dính chấn thương nặng hơn, ảnh hưởng đến phần còn lại của sự nghiệp.
“Tôi nghĩ đó là một HLV có tâm, có tầm thì mới nhìn nhận ra điều đó. Nhiều khi VĐV không biết được những tiên lượng như vậy đã bị tái phát chấn thương nhiều lần. Điều đó có thể do nhiều bên, từ cầu thủ, bác sĩ đến HLV, không đánh giá được hết những chấn thương đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, phong độ cũng như tương lai các cầu thủ”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy nhận xét.
Đồng thời, ông cũng đưa ra ví dụ về trường hợp của Duy Mạnh, cầu thủ có tiền sử chấn thương nặng nhưng nhờ kiên trì với việc phục hồi, anh vẫn có thể duy trì phong độ tốt đến thời điểm hiện tại. Bác sĩ Thủy chia sẻ:
“Trước đây Duy Mạnh từng gặp một chấn thương cổ chân rất nặng. Bây giờ tôi vẫn còn giữ phim chụp của bạn ấy, xương sên gần như vỡ đôi. Khi ấy tôi vẫn còn tập trung đội tuyển, tôi lo từ việc sơ cứu, cấp cứu rồi tập trung hồi phục tích cực cho Duy Mạnh, và hiện tại bạn ấy vẫn thi đấu bình thường.
Cách đây ít năm, Duy Mạnh bị chấn thương vai. Tôi cũng tham gia vào quá trình hỗ trợ bạn ấy phục hồi tích cực. Hay hội chứng đau háng mãn tính của Duy Mạnh cũng vậy. Bạn ấy bị đau rất nhiều, chỉ nhấc chân lên đi lại bình thường cũng đau. Tuy nhiên qua quá trình hồi phục, Duy Mạnh vẫn thi đấu được bình thường”.
Duy Mạnh từng dính nhiều chấn thương, trong đó có đứt dây chằng đầu gối vào đầu năm 2020. Tuy nhiên trung vệ này hiện vẫn duy trì được phong độ ổn định ở tuổi 28.
“Gần nhất ở đợt tập trung vòng loại World Cup vừa qua, đầu gối của Duy Mạnh quá tải lâu ngày, tổn thương xương bánh chè, gân và sụn. Mỗi bước chạy là một bước đau nhưng bạn ấy vẫn cố gắng.
Duy Mạnh sau đó có sang hỏi ý kiến tôi, tôi cũng nói rõ cho bạn ấy hiểu nếu không dừng lại thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những giải đấu sau này. Vì thế Duy Mạnh đã quyết tâm nghỉ vài tuần để điều trị tích cực. Bây giờ bạn ấy có thể tập trở lại cùng đội được rồi.
Duy Mạnh là một dẫn chứng cụ thể. Trên người bạn ấy chẳng có chỗ nào không đau cả, nhưng bạn ấy đã được hồi phục tốt để khi khỏi hoàn toàn có thể chơi lại bình thường”.
VAI TRÒ CỦA BÁC SĨ PHỤC HỒI
Một trường hợp khác từng thành công rực rỡ dưới thời HLV Park Hang-seo nhưng phải vắng mặt tại Asian Cup 2023 là trung vệ Quế Ngọc Hải.
Anh bị rách cơ đùi sau hồi tháng 10 khi tuyển Việt Nam đấu Trung Quốc, sau đó thi đấu trở lại tại V.League nhưng rồi tiếp tục tái phát chấn thương. Người hâm mộ không khỏi lo lắng cho trường hợp này, bởi cầu thủ sinh năm 1993 dường như đã bắt đầu có những dấu hiệu của tuổi tác.
Nhận định về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy đưa ra quan điểm:
“Tính theo lứa tuổi, có mốc nam dưới 22 và nữ dưới 20. Các công trình nghiên cứu cho thấy khi ở dưới mốc tuổi này, việc hoàn thiện mặt tổ chức khi chấn thương, bệnh tật sẽ hồi phục nhanh hơn so với những độ tuổi trên đó. Đó là lý do các cầu thủ trẻ chấn thương nhưng rất nhanh trở lại, còn tuổi càng cao hồi phục càng chậm.
Đôi khi ở một số nhóm cơ bị rách, chỉ vài ngày ta đã thấy đỡ đau rồi, nhưng thực ra nó chưa liền. Mình thấy đỡ đau, vận động bình thường thấy không sao nhưng rướn mạnh một nhát là cơ lại rách. Đó là lý do phải tôn trọng quá trình liền sẹo”.
Đặc biệt, bác sĩ Trọng Thủy nhấn mạnh với quá trình hồi phục chấn thương, việc ổn định tâm lý cho cầu thủ đóng vai trò rất quan trọng. Ở đó, đội ngũ y tế sẽ đóng vai trò nhận định mức độ chấn thương để đưa ra phác đồ tập luyện phù hợp, đồng thời giúp cầu thủ ổn định tâm lý, tránh việc nóng vội trở lại thi đấu.
“Cầu thủ ai cũng mong muốn được sớm trở lại thi đấu. Nhiều khi họ có cơ địa tốt, người rất khỏe, nghĩ rằng lúc nào mình cũng sẵn sàng. Mà khi cái đầu sẵn sàng thì cơ thể cũng sẵn sàng thôi.
Nhưng nếu bác sĩ mà không tiên lượng được chấn thương, cho cầu thủ vào chơi sớm quá mà chưa hồi phục hoàn toàn, thể lực chưa đủ, tổ chức bị tổn thương chưa được tích lũy đầy đủ những yếu tố để hoạt động thể thao với cường độ cao thì đương nhiên sẽ bị chấn thương trở lại.
Bác sĩ phải làm được vấn đề tư tưởng, đồng thời nói rõ cho cầu thủ và HLV biết được mức độ nghiêm trọng của chấn thương, cần phải làm những gì và bao lâu nữa có thể trở lại được. Một khi nói được cho cầu thủ và HLV hiểu thì họ mới yên tâm dưỡng thương được.
Còn nếu họ không hiểu thì cứ nghĩ người mình khỏe là sẵn sàng thôi. Ví dụ như cơ đùi rách, mấy ngày sau đỡ đau mà chạy lại thì rất dễ lại bị rách tiếp”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy chia sẻ.