Từ nhỏ, mẹ đã bảo tôi “đàn ông đàn ang phải chú trọng sự nghiệp, phải làm công to việc lớn, còn việc lặt vặt vốn dĩ là việc của đàn bà”. Đôi lần thấy nhà bẩn tôi tự giác quét nhà, mẹ mắng tôi “đàn ông quét nhà nó hèn người đi”. Em gái tôi mà nhờ tôi phơi quần áo thể nào cũng bị mẹ mắng “Mày sai anh mày đi phơi quần áo lót cho mày đấy à. Tao cấm”.
Vợ tôi từ ngày làm dâu cũng rất được lòng gia đình chồng. Mẹ tôi cũng khen cô ấy hiền lành và hiểu chuyện. (Hình minh họa: Getty Images)
Từ nhỏ tôi đã thấm nhuần tư tưởng ấy. Rằng việc lo kinh tế là của đàn ông, việc lặt vặt nhẹ nhàng do phụ nữ đảm nhiệm. Tôi cũng nghĩ sau này mình có gia đình, không đặt nặng áp lực kiếm tiền lên vai vợ, lo được cho vợ con đủ đầy là việc mình phải làm. Vợ chỉ cần chăm lo cho chồng con, trong ấm ngoài êm là được. Thế nhưng sau khi lấy vợ suy nghĩ của tôi có ít nhiều thay đổi. Nhất là sau khi có con, thấy vợ tất bật tôi bắt đầu học cách phụ vợ việc nhà.
Tôi thấy thực ra những công việc mà mẹ tôi cho rằng của đàn bà ấy cũng rất bận bịu và mệt mỏi. Có lẽ nhờ vậy mà vợ tôi cảm kích tôi nhiều hơn.
Vợ tôi từ ngày làm dâu cũng rất được lòng gia đình chồng. Mẹ tôi cũng khen cô ấy hiền lành và hiểu chuyện. Có lẽ vì không sống chung nên không có va chạm. Tuần trước cu con nhà tôi ốm, mẹ tôi bắt xe lên thăm cháu. Bà vốn say xe nên ít đi đâu xa, cũng là vì thằng cháu đích tôn nên quyết tâm chịu khổ. Và mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu bắt đầu sứt mẻ từ đó.
Mẹ tôi cả đời quen với bếp núc, xem việc chăm sóc phục vụ chồng con là hạnh phúc của đời mình. Nay lên nhà con trai, thấy con trai rửa bát, cọ toa lét hay phơi đồ thì bà hoảng thật sự. Thấy tôi mò tay vào việc gì là bà nhất định giằng lấy không cho làm, xong rồi bà vừa làm vừa càm ràm ca cẩm.
Vào bữa cơm đầu tiên hôm đó. Khi bữa ăn chỉ mới bắt đầu, mẹ tôi đã nhắc nhở con dâu: “Từ bé mẹ đã chẳng bắt thằng Tùng làm việc gì, chỉ yêu cầu nó học cho giỏi để sau này kiếm nhiều tiền, vợ con đỡ thiếu thốn. Nó giờ đường đường là một trưởng phòng, một thạc sĩ kinh tế, vậy mà về nhà cầm chổi cọ toa lét, đeo tạp dề rửa bát, con làm vợ mà không thấy khó coi sao. Chồng thương vợ thì vợ cũng phải biết giữ thể diện cho chồng. Chỉ có vài ba việc nhà lặt vặt mà làm không xong thì làm mẹ làm vợ kiểu gì nữa”.
Tôi thấy vợ tôi khá sốc vì lần đầu tiên bị mẹ chồng phê bình. Nhưng cô ấy có chính kiến của cô ấy. Cô ấy nói với mẹ tôi: “Đàn ông rửa bát lau nhà thì sao ạ? Con là con chung. Nhà là của chung. Anh ấy đi làm, con cũng đi làm. Anh ấy là sếp của nhân viên ở công ty. Nhưng về nhà là chồng, là cha như bao người đàn ông khác, tại sao con phải hầu hạ anh ấy như ông chủ?”.
Tôi rất muốn can ngăn vợ vì thấy sắc mặt mẹ tôi đã tức giận đến tím tái nhưng vợ nói nhanh quá tôi không ngăn được. Tôi thấy vợ nói không sai, nhưng cãi mẹ thẳng thừng như vậy thực sự là không nên.
Mẹ tôi thì đúng là “cả giận mất khôn” bắt đầu nói lời nặng nề:
– Tôi không biết bố mẹ cô ở nhà dạy cô ra sao. Nhưng nhà tôi xưa nay không có cái kiểu chồng vợ ngang hàng như vậy. Cô được học nhiều nên tưởng đàn ông đàn bà bằng vai phải lứa với nhau. Nhưng đã về nhà tôi, đàn ông lúc nào cũng phải cao hơn một bậc.
– Mẹ ạ. Cả đời mẹ chỉ có việc chăm sóc nhà cửa, nấu cơm cho chồng con nên mẹ coi bếp núc là sự nghiệp của mẹ. Còn con cũng phải đi làm. Vợ chồng con bình đẳng về mọi mặt. Ở nhà anh ấy là cục vàng của mẹ. Nhưng với con anh ấy là chồng. Anh ấy thương vợ thì chia sẻ giúp đỡ, còn không muốn làm con cũng làm được hết.
– Á, à. Cô chê bai mẹ chồng không công ăn việc làm, cả đời chỉ có mỗi việc hầu hạ chồng con thôi đúng không. Đồ con dâu mất dạy!
Bữa cơm sum vầy trở thành một cuộc hỗn loạn. Mẹ tôi thì khóc còn vợ tôi ôm con về phòng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi và vợ to tiếng với nhau sau bốn năm sống chung. Mẹ tôi bắt xe về ngay ngày hôm sau mặc tôi hết lời năn nỉ. Trước khi về mẹ còn nói “Mẹ thất vọng vì con, nuôi nấng, chăm lo cho thành ông to bà lớn rồi cuối cùng cũng hầu hạ một con đàn bà”. Tôi chẳng biết nói sao cho mẹ tôi bớt phiền, chỉ nói rằng tôi sẽ nói chuyện với vợ, đề nghị cô ấy xin lỗi mẹ.
Những ngày sau gia đình tôi căng như dây đàn. Vợ tôi nói không sai nhưng nói kiểu đó là hỗn láo với mẹ chồng. Thế nhưng cô ấy thì cho rằng mẹ chồng gây sự, muốn làm khó dễ con dâu, còn cho rằng mình chỉ nói theo lẽ phải, chẳng việc gì phải xin lỗi. Chưa hết, cô ấy còn bảo tết nay về ăn tết bên ngoại chứ về nội chắc cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi thực sự điên đầu với vợ. Nói gì thì nói, đó cũng là mẹ chồng, bà quá lắm cũng chỉ lên chơi dăm ngày một tuần rồi về. Cô ấy mà là đứa con dâu biết điều thì chịu khó nhẫn nhịn vài câu, cớ làm sao cứ phải một chọi một đến tanh bành ra thế. Hơn nữa, tôi là con trai cả trong nhà, cô ấy là dâu trưởng, con trai chúng tôi là đích tôn, vậy mà cô ấy dám nói tết không về nhà nội.
Bố tôi ngày xưa chẳng bao giờ động tay động chân việc gì trong nhà, đến bữa cơm bưng nước rót mà nói câu gì mẹ tôi răm rắp câu ấy. Trong nhà, trên ra trên, dưới ra dưới, không bao giờ xào xáo cãi nhau. Xem ra có vẻ như mẹ tôi nói đúng, đàn bà càng được chiều chuộng càng dễ sinh hư.Tôi vì thương vợ mà bỏ qua cái nếp sống được rèn giũa từ nhỏ, chia sẻ với vợ mọi công việc trong nhà. Có phải chính vì thế mà tôi trong mắt vợ đã bớt đi phần oai nghiêm?