Chở 3 bao gồm người cầm lái và 2 người ngồi sau xe máy đã được luật quy định rõ ràng. Theo hiện hành, Khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định những trường hợp xe máy được chở 3 bao gồm:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
Tuy nhiên Quốc hội đã phê chuẩn Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó thì Điều 33 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ghi cụ thể như sau:
Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 12 tuổi;
d) Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy thì từ ngày 1/1/2025, Luật bổ sung trường hợp người già yếu thì được chở 3 nhưng liên quan tới trẻ em thì đã hạ từ 14 tuổi xuống 12 tuổi. Do đó người lớn khi chở trẻ em trên xe máy mà chở 2 thì cần chú ý về độ tuổi của trẻ.
Xử phạt vi phạm chở quá người thế nào?
Xử phạt hành vi vi phạm giao thông đang áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Theo đó thì việc chở quá số người quy định trên xe gắn máy sẽ có hai trường hợp xử phạt như sau:
– Chở hai người có thể bị xử phạt 300.000-400.000 đồng.
– Chở từ 3 người trở lên có thể bị xử phạt 400.000-600.000 đồng.
Nếu gây tai nạn giao thông, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng.