Việt Nam đến thời ‘bùng nổ’ xe điện, nỗi lo nguồn cung điện cho trạm sạc

Xe điện ngày càng sạch hơn khi sử dụng nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, khi đạt mục tiêu 78 triệu xe điện góp phần đưa phát thải ròng về 0, Việt Nam cần giải bài toán nguồn cung điện.

 

Áp lực cho ngành điện từ 2030

Theo mục tiêu đề ra trong “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt , doanh số bán xe điện tại thị trường Việt từ nay đến năm 2050 phải đạt 78 triệu chiếc. Điều này cũng đồng nghĩa, lượng xe điện tham gia giao thông cùng nhu cầu sạc pin sẽ tăng mạnh theo từng năm.

Tuy nhiên, báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023 chưa tính đến hoạt động sạc xe điện, chỉ dự báo tỷ lệ sử dụng xe điện ở mức thấp, chủ yếu là xe máy điện sạc tại nhà.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam. Bởi việc sử dụng xe điện trong giai đoạn này chủ yếu cho xe 2 bánh – loại xe sử dụng pin nhỏ và thường di chuyển trên quãng đường ngắn.

xe dien
Lượng xe điện tăng mạnh sẽ tạo áp lực lớn lên ngành điện do nhu cầu sạc tăng cao. 

Hoạt động sạc xe điện chỉ đòi hỏi thêm 1-2% sản lượng điện so với kịch bản mức độ cao của Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 và tỷ lệ này có thể được giải quyết bằng cách tăng thêm biên độ thặng dư sản xuất điện theo kế hoạch.

Tuy nhiên, đến năm 2035, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4% để đáp ứng nhu cầu sạc xe điện.

Năm 2045, nhu cầu này sẽ đòi hỏi thêm tối đa 16% sản lượng điện so với kịch bản mức độ cao của Quy hoạch điện VIII và sau đó sẽ tăng lên tối đa 28% đến năm 2050.

Bởi, khi đó, phần lớn nhu cầu năng lượng của ngành giao thông vận tải sẽ chuyển từ xăng dầu sang điện nếu đạt được các mục tiêu về sử dụng phương tiện giao thông chạy điện.

So sánh với hiện nay, cơ cấu phương tiện giao thông ở Việt Nam đến năm 2050 chủ yếu là các phương tiện cỡ lớn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn như ô tô, thay vì xe 2 bánh. Việc bổ sung sản lượng điện lưới ở quy mô này sẽ đòi hỏi tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,1% trong giai đoạn 2035-2050, trong khi mức tăng trưởng hàng năm theo kế hoạch hiện tại trong kịch bản mức độ cao của Quy hoạch điện VIII là 3,7%.

WB khuyến cáo, sau năm 2030, Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình 3-5% công suất mạng lưới so với kịch bản mức độ cao của Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng phụ tải sạc xe điện trong giai đoạn 2030-2045. Sau đó, cần thêm tối đa 15% công suất truyền tải bổ sung vào năm 2050 để cho phép điện khí hóa 100% vận tải đường bộ.

Cần đầu tư 14 tỷ USD mỗi năm để tăng cung điện

Để đạt được mức tiêu thụ xe điện như mục tiêu, từ nay đến năm 2030, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ cần đầu tư lên tới 9 tỷ USD cho ngành điện. Khoản đầu tư khoảng 1 tỷ USD sẽ dành cho việc mở rộng thêm công suất mạng lưới điện.

Giai đoạn 2031-2050, Việt Nam sẽ cần đầu tư trung bình 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới so với ước tính của quy hoạch.

W-dien mat troi.png
Để áp ứng nhu cầu sạc xe điện, Việt Nam cần đầu tư trung bình 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải tăng cường cải thiện hiệu suất mạng lưới điện và hiệu suất sử dụng pin, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa về lâu dài để giảm tác động của việc sử dụng phương tiện giao thông chạy điện đối với ngành điện.

Việc thúc đẩy chuyển đổi phương tiện vận tải đối với nhu cầu vận tải hành khách trong đô thị từ xe ô tô con chạy điện sang phương tiện giao thông công cộng đại trà và nhu cầu vận tải hàng hóa từ xe tải điện liên tỉnh sang đường sắt và đường thủy sẽ giúp giảm đáng kể tổng nhu cầu sạc xe điện. Các chuyên gia WB giới tính toán, việc chuyển đổi giữa các phân khúc này ở quy mô 35% vào năm 2050 sẽ giúp giảm 9-11% nhu cầu cấp phát điện bổ sung.

Báo cáo cũng đưa ra giải pháp Việt Nam nên hướng đến việc chuyển hoạt động sạc xe điện sang các trạm sạc công cộng vào ban ngày (ngoài giờ cao điểm) càng nhiều càng tốt. Như vậy có thể giảm tác động của hoạt động sạc xe điện lên cao điểm tiêu thụ của hệ thống.

Các biện pháp can thiệp chính sách then chốt bao gồm triển khai chương trình cải cách biểu giá điện để khuyến khích sạc ngoài giờ cao điểm, mở rộng quy mô thiết bị sạc thông minh và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các trạm sạc công cộng để giảm tải sạc xe điện cho lưới điện.

“Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng”, bà Mariam J. Sherman – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhấn mạnh.

Theo đó, ngoài trụ cột về hạ tầng sạc, cần tập trung vào nguồn cung điện trong lộ trình chuyển đổi. Bà Mariam cho rằng, để lộ trình này thành công cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng.