Việt Nam không được xếp hạng trên Bảng tổng sắp huy chương Olympic 2024

Với việc không giành được bất kỳ một huy chương nào tại Olympic 2024, Việt Nam nằm trong nhóm các đoàn thể thao không có thứ hạng tại đại hội lần này.

Đây là kỳ Olympic thứ ba kể từ năm 2000 mà Đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương, sau Tokyo 2020 có 18 VĐV và Athens 2004 có 11 VĐV.

Tại Sydney 2000, Việt Nam có bảy VĐV và giành một HC bạc taekwondo hạng 57kg nữ của Trần Hiếu Ngân. Đến Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành HC bạc cử tạ hạng 56kg nam. Cũng tại nội dung này bốn năm sau, Trần Lê Quốc Toàn giành HC đồng. Thành công nhất là Rio 2016 khi Việt Nam có số lượng đông nhất – 23 VĐV, trong đó Hoàng Xuân Vinh giành một HC vàng và một HC bạc.

Olympic 2024 gồm 206 đoàn thể thao. Tính đến ngày 8/8, 80 đoàn đã giành huy chương, trong đó 55 đoàn có HC vàng.

Ở Đông Nam Á, bốn đoàn có huy chương. Philippines đang dẫn đầu khi đứng thứ 24, sau hai HC vàng thể dục dụng cụ và hai HC đồng boxing. Thái Lan đứng thứ 31, với một HC vàng taekwondo, ba HC bạc cầu lông và cử tạ, hai HC đồng boxing và cử tạ. Indonesia có 2 HC vàng một HC đồng cầu lông. Malaysia đứng thứ 71 nhờ hai HC đồng cầu lông.

Thể thao Việt Nam chờ may mắn đến bao giờ?

Ở các đấu trường thể thao đỉnh cao như Olympic, may mắn là điều quan trọng để các vận động viên có thể giành vinh quang. Nhưng chẳng may mắn nào đến từ sự ngẫu nhiên. Thời tiết rất xấu khiến Ánh Nguyệt bị loại cay đắng khỏi môn bắn cung sau loạt shoot-out. Nhưng, nếu để dự đoán Ánh Nguyệt có huy chương thì những người lạc quan nhất cũng không nghĩ đến.

Thu Vinh ở rất gần tấm huy chương Olympic.

Thu Vinh ở rất gần tấm huy chương Olympic.

Thu Vinh rất xuất sắc, liên tục đạt thành tích cao nhất trong sự nghiệp. Giới chuyên môn ước rằng cô may mắn hơn một chút để làm nên chuyện.

Ngược dòng 8 năm trước, Hoàng Xuân Vinh giành một huy chương vàng, một huy chương bạc ở Rio 2016. Có ý kiến nói rằng Xuân Vinh cũng chỉ gặp may bởi anh thất bại nhiều lần. Thực tế, chính thất bại đã mang lại vinh quang. Nếu không có sự đầu tư đúng hướng để “được” thất bại nhiều lần, xạ thủ huyền thoại của thể thao Việt Nam đâu có cơ hội mà đến được Olympic 2016. May mắn trong thể thao cũng cần sự tích lũy đủ lớn.

Có điều, thể thao Việt Nam cần phải biết cách để “mời gọi” may mắn đến với mình.

Chiều 8/8, đoàn thể thao Indonesia giành huy chương vàng Olympic Paris 2024 ở bộ môn mà giới trẻ Việt Nam vẫn coi như trò giải trí – môn leo núi thể thao. Đây là môn thể thao không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn, nếu biết cách vận hành phát triển còn có thể “hoàn vốn” nhờ lượng người chơi trẻ tuổi.

Phải chăng, thể thao Việt Nam đang nghĩ quá nhiều đến các môn thể thao nổi bật?

Có một thực tế, chúng ta cần tấm huy chương Olympic chứ không phải huy chương ấy ở môn nào. Chuyện này khác hoàn toàn ở đấu trường SEA Games, khi tỉ lệ huy chương ở các môn Olympic được nhắc đến.

Cần lắm một công trình nghiên cứu khoa học rằng đâu mới là môn thể thao phát huy tối đa điểm mạnh của người Việt Nam? Đâu là môn thể thao mà nhiều nước “bỏ quên”?

Khái quát hơn, đâu là “thị trường ngách” cho thể thao Việt Nam?