Chiều nay 8/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó bão số 7.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, sáng nay, khi bão Yinxing vừa vào Biển Đông, cấu trúc bão bị vỡ. Từ trưa cùng ngày, hệ thống mây đối lưu quanh tâm bão đã tốt lên.
Cũng theo ông Khiêm, qua quan sát, tính toán, bão số 7 có xu hướng mạnh trở lại so với thời điểm bão vừa đi qua bán đảo Luzon. Từ chiều đến đêm nay, cơn bão có thể tiếp tục mạnh thêm.
Theo dự báo, lúc 19h ngày 8/11, vị trí tâm bão số 7 trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Phân tích thêm về cơn bão đang “quần thảo” Biển Đông, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, trong các phiên dự báo từ 6/11 đến nay, các mô hình, hệ thống dự báo trên thế giới còn phân tán, chưa thống nhất.
Tổ hợp của 51 phương án tính toán theo mô hình của châu Âu thì chỉ có 1-2 phương án dự báo bão đi qua đảo Hải Nam, còn lại dự báo sau khi đi qua phía bắc quần đảo Hoàng Sa thì bão hướng về vùng biển Trung Bộ.
Theo dự báo của Nhật, hiện là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão suy yếu dần, nhất là khi vào đến vùng biển miền Trung.
Về dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, theo ông Khiêm, khi phân tích các yếu tố như tác động của đợt không khí lạnh khô, bề mặt nước biển lạnh nên cường độ bão nhiều khả năng xu hướng suy yếu. Cường độ bão mạnh nhất chỉ ở thời điểm từ nay đến khi vào phía Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Các chuyên gia cũng dự báo cơn bão này có thể suy yếu khi vào đến vùng biển miền Trung. Bão suy yếu gặp tác động của không khí lạnh khô nên khả năng hoàn lưu gây mưa lớn cực đoan là không có.
Về hướng di chuyển, do chi phối của dòng dẫn môi trường cao cận nhiệt đới đang khống chế phía trên, tác động không khí lạnh nên cơ quan dự báo khí tượng quốc gia nhận định bão khó có khả năng đi lên phía Bắc. Khả năng cao khi vào đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa thì bão xu hướng lệch về phía Tây Nam đi về phía vùng biển Trung Trung Bộ.
Cụ thể, theo cơ quan khí tượng, khoảng 19h ngày 9/11, bão trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Bắc, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.
Dự báo đến 19h ngày 10/11, bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Bắc, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có thể đổi hướng di chuyển Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, suy yếu dần. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16.
Đến 19h ngày 11/11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Tây, di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 10km/h, suy yếu thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Tác động của bão số 7, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 6-8m, biển động dữ dội.
Ngoài ra, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, qua phân tích từ vệ tinh, hiện còn có dải hội tụ nhiệt đới với rất nhiều nhiễu động. Do vậy không loại trừ khả năng những nhiễu động phía xa ở khu vực vùng biển Philippines có thể hình thành áp thấp nhiệt đới.
Những nhiễu động này xuất hiện liên tục trong 10 ngày tới. Ngoài cơn bão số 7, có thể chúng ta phải lo ứng phó với những cơn tiếp theo ngay sau đó.