Dự báo thời tiết 3 tháng cuối năm, Biển Đông sẽ xuất hiện 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều hơn trung bình nhiều năm, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Cảnh báo mưa to dồn dập nhiều nơi.
Rãnh áp thấp trên Biển Đông
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay (24/9), rãnh áp thấp có trục ở khoảng 16-20 độ vĩ Bắc.
Ở vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 24/9, ở vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Biển Đông khả năng đón 5 cơn bão trong 3 tháng cuối năm
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đây là hiện tượng ENSO chuyển dần sang trạng thái La Nina.
Dự báo, La Nina sẽ tiếp diễn trong 3 tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung vào Trung Bộ và phía Nam. “Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông”, Trung tâm nhận định.
Đáng chú ý, trạng thái La Nina trong 3 tháng 10-12 sẽ diễn ra với xác suất 50-70%. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam cao hơn trung bình nhiều năm, tức 4-5 cơn trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Như vậy, trong tháng 10-11 ở Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10-20%, vùng núi 5-10%. Tháng 12, mưa phổ biến 20-40mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10mm.
Trung Bộ sẽ là tâm điểm mưa trong 2 tháng tới. Dự báo tháng 10-11, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 10-30%. Trong đó tháng 12, Quảng Bình, Quảng trị mưa 100-200mm, cao hơn trung bình 10-15mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Bình mưa 250-500mm, cao hơn trung bình 30-60mm. Khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận mưa 30-80mm, cao hơn trung bình 15-30mm.
Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2 tháng tới mưa cao hơn 5-20% cùng thời kỳ. Tháng 12, Tây Nguyên mưa 30-50mm, riêng một số nơi ở nam Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa 50-80mm, cao hơn trung bình 10-30mm.
Do lượng mưa vượt mức trung bình, nên lũ trên cả nước diễn biến phức tạp. Dự báo 3 tháng tới, lưu lượng nước trên các sông ở Bắc Bộ sẽ cao hơn trung bình từ 10 đến 20%, đặc biệt các hồ Tuyên Quang trên sông Gâm và Thác Bà trên sông Chảy có khả năng vượt mức bình thường 30-70%.
Từ cuối tháng 9-12, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long biến đổi chậm với xu thế lên dần, tổng lượng tháng 9 thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%. Tháng 10-12, tổng lượng về khu vực này tương đương mức trung bình.
Ngoài ra, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 – 12, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).
Nhận định xu thế thời tiết 1 tháng tới cả 3 miền
– Nhiệt độ trung bình: Dự báo thời tiết nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C, có nơi cao hơn TBNN cùng thời kỳ.
– Lượng mưa: TLM trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng khu vực Trung Trung Bộ TLM phổ biến cao hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ.
– Cảnh báo thời tiết nguy hiểm:
+ Bão/ATNĐ: Trong thời kỳ từ nay đến 20/10/2024, hoạt động của Bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN trên Biển Đông: 2,1 cơn; TBNN đổ bộ: 0,9 cơn).
+ Không khí lạnh: Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh bắt đầu hoạt động và tác động đến thời tiết nước ta.
+ Mưa: Trong thời kỳ dự báo, trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa, mưa rào và dông, có ngày mưa vừa, mưa to ; riêng khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng.
El Nino và La Nina ảnh hưởng đến thời tiết như thế nào?
ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina.
Trong đó, những năm có hiện tượng El Nino hoạt động mạnh thì nắng nóng, khô hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn. Lũ lụt ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ít hơn trung bình.
Ngược lại, vào những năm có hiện tượng La Nina hoạt động mạnh thì những đợt gió mùa đông bắc hoạt động liên tục với cường độ mạnh.
Đặc biệt, gió mùa mùa hè cũng hoạt động khá mạnh và ổn định, đem đến lượng mưa mùa mưa vượt trung bình, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhiều hơn trung bình.