Từ chối khoản tiền bồi thường “khủng”, bác nông dân vẫn quyết đấu tranh để giữ lại trang trại hữu cơ ngay giữa sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản hơn hai thập kỷ.
Từ chối khoản tiền bồi thường “khủng”, bác nông dân vẫn quyết đấu tranh để giữ lại trang trại hữu cơ ngay giữa sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản hơn hai thập kỷ.
Có lẽ, đối với chúng ta việc sống trong một sân bay khổng lồ là điều không hề dễ dàng. Chỉ riêng mỗi lần tiếng máy bay cất cánh và hạ cánh đã phát ra tiếng kêu vô cùng chói tai và khó chịu nhưng đối với bác nông dân Nhật Bản thì đây được xem như là nơi duy nhất đáng để sống.
Ông Takao Shito (68 tuổi) chính là chủ nhân của mảnh đất lớn ngay giữa sân bay. Gia đình Takao Shito đã trồng rau trong trang trại ở sân bay Narita hơn 100 năm. Theo truyền thống của gia đình qua ba thế hệ từ đời ông nội và bố của ông cũng là một nông dân và cho đến nay ông Shito vẫn gánh vác tiếp trọng trách của gia đình. Chỉ có điều đến đời ông Shito thì vị trí của trang trại đã có sự thay đổi so với tổ tiên.
Trước đây, trang trại của ông Shito là một phần của ngôi làng, có khoảng 30 gia đình sinh sống, xung quanh đó là những cánh đồng trống. Tuy nhiên, giờ đây trang trại hữu cơ lại nằm trơ trọi ngay giữa sân bay Narita, sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản. Nơi đây, máy bay phản lực bay qua đầu và phải chịu tiếng ồn 24/24 giờ và cách duy nhất để ra và vào trang trại là đi qua các đường hầm dưới lòng đất.
Hầu hết mọi người đều đồng ý chuyển đi nhưng chỉ riêng ông Shito vẫn cương quyết ở lại nơi này. Ông đã đấu tranh rất nhiều để giữ trang trại trong hơn hai thập kỷ, thậm chí còn từ chối lời đề nghị bồi thường tương đương hơn 40 tỷ đồng cho mảnh đất của mình.
Ông Shito nói với AFP, vài năm trước: “Đây là những mảnh đất do ba thế hệ đã gìn giữ và gây dựng gần một thế kỷ, do ông nội, cha tôi và chính tôi. Tôi muốn tiếp tục sống ở đây và làm nông nghiệp”.
Trước đó, cha của ông Shito là một trong những người nông dân nhiệt tình nhất, đã phản đối kế hoạch mở rộng sân bay Narita của Chính phủ kể từ những năm 1970. Trong khi đó, hầu hết những nông dân khác trong ngôi làng đều bị thuyết phục bán đất bằng những khoản bồi thường hậu hĩnh, nhưng riêng gia đình ông Toichi Shito quyết không rời đi.
Đến nay, ông Takao Shito cũng liên tục tham gia vào các cuộc đấu tranh về pháp lý để ngăn chính quyền cưỡng bức ông rời khỏi mảnh đất. Công việc đồng áng đôi lúc mệt mỏi, nhưng ông cho biết không có ý định lùi bước. Vì thế, cuộc đấu tranh của ông đã trở thành một biểu tượng của quyền công dân và nhận được sự ủng hộ của hàng trăm tình nguyện viên và nhà hoạt động.
Takao trả lời phỏng vấn tờ BBC: “Tôi nhận được lời đề nghị bồi thường bằng tiền mặt với điều kiện tôi phải lập tức rời khỏi trang trại của mình. Họ đưa ra 180 triệu yên (khoảng 40 tỷ đồng). Số tiền đó bằng với 150 năm tiền lương của một người nông dân mới có thể đủ. Tôi là người không để tâm đến tiền bạc, tôi muốn tiếp tục làm nông nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời đi ”.
Sân bay Narita là cửa ngõ quốc tế chính của Tokyo khi mỗi năm đón khoảng 40 triệu hành khách và 250.000 chuyến bay. Đường băng thứ hai của sân bay phải đi qua trang trại của ông Takao Shito, nhưng do các vấn đề pháp lý nên hiện nay đường băng này đã xây dựng bao quanh hầu hết các mảnh đất.
Ông Takao Shito vẫn đang chăm sóc trang trại hữu cơ của mình ở giữa sân bay Narita và kinh doanh bán sản phẩm sạch cho khoảng 400 khách hàng. Ông cho biết đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến việc kinh doanh của gia đình nên cuộc sống ở một trong những sân bay lớn nhất thế giới phần nào trở nên dễ dàng hơn.