UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để xây dựng quy định về vùng phát thải thấp, để tăng cường phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe máy, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030.
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến công dân đối với dự thảo xây dựng Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Theo dự thảo quy định, vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, các phương tiện giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt để được phép đi vào. Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí cao hơn để vào khu vực này.
Thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư – kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông và tiếp cận giao thông… để xác định vùng phát thải thấp.
Cùng với đó, khu vực này phải đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông như: có giải pháp giám sát và xử lý vi phạm về phát thải của phương tiện, có giải pháp chuyển đổi phương tiện, có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo duy trì hoạt động giao thông thông suốt.
Thành phố cũng nhấn mạnh việc đồng thuận của người dân và chính quyền trong xây dựng vùng phát thải thấp này.
Đáng chú ý, về biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, dự thảo đề xuất nhiều biện pháp giao thông bền vững, trong đó sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Thành phố từng bước xây dựng văn hóa giao thông, ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân…
Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi…
Về biện pháp kinh tế, Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, monorail (tàu một ray), xe buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
Đồng thời có cơ chế, chính sách quy định về các loại phí, thuế phí khi xây dựng và thực hiện vùng phát thải thấp phù hợp với các chính sách, quy định chung…
Về trình tự, thủ tục, dự thảo quy định cho phép các quận, huyện căn cứ các tiêu chí để xác định và lập hồ sơ xây dựng vùng phát thải thấp phù hợp với điều kiện, đặc thù và năng lực của địa phương.
Việc xây dựng vùng phát thải thấp dựa trên 6 bước và Sở TN&MT có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định, lấy ý kiến Bộ TN&MT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. UBND TP Hà Nội là cơ quan sẽ xem xét, phê duyệt vùng phát thải thấp.